5 tháng trước
10 Cách Để Giảm Stress Tức Thì
260

4402
Lượt xem
30
Lượt chia sẻ
14
Lượt bình luận

Một khách hàng khó tính, một ông sếp cáu kỉnh, một hạn cuối cận kề - đây là một vài trong số nhiều lý do có thể làm cho tình trạng căng thẳng (stress) của bạn tăng cao trong khi làm việc. Không cần phải nói thêm, để tìm ra cách giải quyết vấn đề của bạn, bị căng thẳng sẽ không giúp bạn tiến về phía trước. Bạn cần phải lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ rõ ràng, vạch ra những bước có thể hành động và từ từ vượt qua vấn đề.

Hơn nữa, tất cả chúng ta đều biết rằng stress thực chất rất tệ cho chúng ta và nó có những tác động xấu đến sức khỏe lâu dài của chúng ta. "Hãy giữ bình tĩnh và tiếp tục" (Keep calm and carry on) có ý nghĩa nhiều hơn chỉ là một câu nói phổ biến trên Internet – đây là một kỹ năng mà tất cả chúng ta nên thành thạo.

Chúng ta bị rơi vào những tình thế phải phản ứng theo kiểu "chiến hay chạy", nhưng một người gắt gỏng trên tàu điện ngầm thì không đe dọa tính mạng như một con sư tử đang tiếp cận chúng ta thời tiền sử. Từ lý do này, chúng ta cần học cách để kiểm soát sự phản ứng của chúng ta trong những tình huống căng thẳng để thích nghi với cuộc sống thời hiện đại lúc nào cũng bị lấp đầy bởi sự căng thẳng.

Bất cứ khi nào bạn đối mặt với một tình huống mà có thể làm cho nồng độ adrenaline và cortisol tăng khiến tim bạn đập quá nhanh, có một số hoạt động bạn có thể làm để giảm stress. Không có hoạt động nào trong số này yêu cầu hơn 15 phút, và hầu hết chúng chỉ cần một thay đổi đơn giản trong tư tưởng hoặc vị trí, nhưng tất cả những điều này có thể giúp bạn thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn của việc phải đối mặt với stress trong công việc và phản ứng cứ như con chuột chạy trên bánh xe quay tròn.

1. Đi bộ

Nếu bạn có thể biến mất khỏi căn phòng ngột ngạt trong vài phút, thì hãy ra ngoài, và đi bộ quanh khuôn viên căn nhà, bạn sẽ hít không khí trong lành vào phổi và làm tươi mới những suy nghĩ trong tâm trí. Bạn có biết rằng Mandela thường đi bộ vào mỗi buổi sáng để suy nghĩ cẩn thận về ngày hôm ấy không?

2. Nghe nhạc nhẹ nhàng

Đeo tai nghe vào, và nghe một vài thể loại nhac nhẹ nhàng: như nhạc cổ điển, nhạc new agepost rock – bất cứ thứ gì mang bạn vào trạng thái thư giãn thoải mái.

3. Làm theo một bài hướng dẫn ngồi thiền ngắn

Quay ghế về phía cửa sổ, hoặc nếu không còn cách nào khác, hãy trốn trong nhà tắm vài phút và nghe một bài hướng dẫn thiền ngắn trên máy tính, điện thoại hoặc máy nghe nhạc MP3 của bạn. Có nhiều ứng dụng điện thoại chứa những bài hướng dẫn thiền thú vị có thể giúp bạn lấy lại sự tĩnh tâm.

4. Xem hình của những chú cún con hoặc những chú mèo con

Có thể bạn nghĩ rằng xem những tấm hình của những chú mèo con dễ thương là một sự lãng phí thời gian hay một thú vui đáng xấu hổ, nhưng thực ra có một vài lợi ích khi ngắm nhìn những con thú cưng đáng yêu này. Những nghiên cứu đưa ra giả thiết là nhìn những chú cún con hoặc mèo con có thể làm giảm mức độ căng thẳng của bạn.

5. Uống một thức uống nóng

Nghiên cứu gợi ý rằng khi chúng ta cầm một ly nước uống nóng, chúng ta nhìn thấy người khác thân ái hơn khi chúng ta cầm một ly nước uống lạnh. Hơn nữa, dành chút thời gian để tự lấy cho bạn một tách trà hoặc cà phê có thể là một chút thoải mái bạn cần trong một thời khắc khó khăn.

6. Làm vài động tác duỗi tay chân để máu huyết lưu thông

Hãy làm mới suy nghĩ bằng vài hoạt động thể chất nhanh. Hãy thử một chuỗi bài tập yoga để vặn xương sống, hoặc thực hiện một vài cú jumping jack và chống đẩy với tường. Bất cứ hoạt động nào phá vỡ sự suy nghĩ quá mức về vấn đề gây căng thẳng, thì đều sẽ có một hiệu ứng tích cực (tạm thời).

7. Ghé ngang qua phòng làm việc của một đồng nghiệp thân thiết

Nói chuyện với một người bạn về tình huống làm cho bạn khó chịu, nhận lấy một cái vỗ vai nhẹ hoặc một cái ôm khi bạn cần chúng, và cảm nhận quả tạ nặng ký được trút bỏ khỏi lồng ngực. Một tình huống có thể bớt đáng sợ hơn rất nhiều một khi bạn đã thảo luận nó với một người tin cậy.

8. Xem điều gì đang thôi thúc bạn và bỏ nó đi

Các bậc thầy về thiền định dạy chúng ta ngồi nghĩ đến tận cùng của sự khó chịu, canh chừng những ý nghĩ đang thôi thúc bạn chạy vòng vòng một cách điên rồ, sau đó hãy mỉm cười và loại bỏ nó đi. Đừng làm theo những tiếng gọi bản năng của "phần con" bên trong bạn. Thay vào đó, hãy xem xét những điều gì đang thúc giục bạn phản ứng và suy nghĩ xem phản ứng của bạn có đúng và có thể đưa bạn đến gần với cách giải quyết hơn không.

9. Tìm không gian riêng trong một căn phòng yên tĩnh

Nếu những tiếng ồn ào trong văn phòng làm tăng mức độ stress của bạn, thì hãy tìm một nơi yên tĩnh (ví dụ như một căn phòng trống hoặc thư viện), tránh xa khỏi hoàn cảnh hiện tại và tìm về với sự yên bình trong nội tâm. Tránh xa khỏi một môi trường căng thẳng của phòng làm việc và thưởng thức một vị trí yên tĩnh hơn có thể làm những điều kỳ diệu tới mức độ stress của bạn.

10. Nếu bạn bị thúc ép về thời gian: hãy hít 3 hơi thở sâu trước khi phản ứng

Nếu bạn được mong chờ phản ứng ngay lập tức, vậy thì hãy cho phép bản thân được hít thở ít nhất 3 lần trước khi hành động hay trả lời. Hít thở sâu vào cơ hoành để giúp bạn lấy lại bình tĩnh cho tinh thần và thể xác. Các ca sĩ, trẻ sơ sinh và những người tập yoga đều biết được lợi ích của việc hít thở bằng bụng. Hãy tự học kỹ năng này vì nó sẽ giúp cho bạn vào những lúc khẩn cấp bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào bạn cần nó.