6 tháng trước
7 Bước Để Bạn Vượt Qua Vòng Chọn Lọc Hồ Sơ Tuyển Dụng

Trước đây, để nộp đơn xin việc bạn phải mua hồ sơ, điền thông tin vào đó rồi gửi những hồ sơ đó đến nơi tuyển dụng bằng cách đi xe, đi bộ hay di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng. Ngày nay, bạn có thể dễ dàng nộp đơn xin việc đến hàng trăm nơi chỉ trong vòng một ngày từ máy tính của bạn thông qua Internet. Trong quá trình chuyển tiếp hồ sơ trực tuyến, nhiều doanh nghiệp đã tự động hóa bước đầu tiên trong khâu tuyển nhân viên, và cũng giống như những quá trình tự động hóa khác, bạn có thể đánh lừa hệ thống nếu bạn đủ hiểu biết về nó.

Nếu bạn đang cần sự giúp đỡ về cách vượt qua vòng chọn lọc hồ sơ thì đây là những việc bạn cần làm:

1. Đọc bảng mô tả công việc

Điều này là hiển nhiên, nhưng thật ngạc nhiên rằng có rất nhiều người chỉ đọc tên công việc, lướt qua vài dòng giới thiệu ngắn gọn trong mục quảng cáo công việc, sau đó gửi hồ sơ xin việc ngay lập tức. Đó là lý do vì sao sau này bạn phải làm một công việc mà mình không thích. Đúng là bạn cần tiền, nhưng bạn cũng không cần phải làm công việc mà mình hoàn toàn ghét. Chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt với những khía cạnh bất đắc dĩ không thể tránh khỏi vậy nên đừng tự gây khó dễ cho bản thân mình. Vì vậy, hãy đọc kỹ thông tin về công việc, và chắc chắn đó là công việc bạn muốn làm và bạn có khả năng làm được thành thạo công việc đó. Nếu bạn chỉ từng làm nghề giao báo và những việc lao động chân tay lương thấp thời còn đi học, bạn không có lý do gì để xin vào vị trí phó giám đốc. Hãy đọc kỹ những thông tin về công việc để hiểu hơn về công việc đó trước khi muốn gửi đơn. 

2. Nhận biết những yêu cầu về trình độ chuyên môn

Khi đọc những dòng mô tả công viêc, hãy kiểm tra những trình độ chuyên môn mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Họ sẽ liệt kê một danh sách những yêu cầu tối thiểu mà họ đang cần tìm. Những tiêu chuẩn này là cơ sở để chọn lọc hồ sơ, vì vậy nếu bạn không đáp ứng được những tiêu chuẩn đó, bạn có thể sẽ bị loại.

Có thể hiểu theo cách đơn giản như sau: nếu tôi chỉ tìm kiếm những người có bằng Cử nhân, bộ lọc hồ sơ của tôi sẽ lọc và cho tôi danh sách những người có bằng Cử nhân. Nó giống như câu hỏi trắc nghiệm - nếu câu trả lời là C nhưng bạn lại đánh vào A thì bạn trả lời sai. Sẽ không có cơ hội thứ hai với chế độ tự động, bất cứ điều gì được đưa vào danh sách với nhãn "yêu cầu" hoặc "trình độ chuyên môn", bạn sẽ không thể vượt qua bộ lọc nếu không đáp ứng được chúng. Nó rõ ràng như hai màu đen và trắng, không có màu xám nào ở giữa.

3. Những kỹ năng được mong muốn

Nhiều công việc đưa cả những yêu cầu về các kỹ năng cần có. Điều đó cho bạn biết rằng, một khi hồ sơ của bạn đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu để vượt qua vòng chọn lọc hồ sơ, các tuyển trạch viên sẽ so sánh các ứng cử viên tùy vào những kỹ năng mà họ mong muốn. Bằng Cử nhân có thể là tấm vé vào cổng, nhưng họ lại mong muốn một tấm bằng Thạc sĩ. Tấm bằng Thạc sĩ chỉ là "mong muốn" chứ không phải "yêu cầu", vì vậy hãy bù đắp bằng những kỹ năng khác nếu không có nó. Công ty luôn sẵn sàng đào tạo đúng người.

4. Đảm bảo rằng những phẩm chất và kỹ năng được đưa vào resume và hồ sơ trên LinkedIn của bạn

Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng bất ngờ là nhiều người cho rằng những kỹ năng đó là được thừa nhận. Bạn có kinh nghiệm bán hàng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn là một chuyên viên bán hàng. Nếu tôi muốn một chuyên viên bán hàng thì bạn cần phải có chứng nhận về điều đó trong hồ sơ của mình và cả những kinh nghiệm mà bạn có được. Tuy nhiên, có thể trong buổi phỏng vấn, tôi sẽ cho một bài kiểm tra về kỹ năng của chuyên viên bán hàng, vậy nên đừng liệt kê nó ra nếu như bạn không chắc mình có thể vượt qua bài kiểm tra đó. Và cũng đừng chỉ liệt kê lịch sử những công việc bạn đã làm - hãy làm cho nó có ý nghĩa hơn một chút.

Bạn cần phải tự cập nhật hồ sơ cá nhân để phù hợp với đơn xin việc. Ngoài ra, kiểm tra cẩn thận sự hiện diện của bạn trên phương tiện truyền thông xã hội. Các nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra lý lịch của bạn trong khoảng thời gian từ lúc phỏng vấn cho đến khi đưa ra quyết định tuyển dụng. Những điểm không thống nhất sẽ được ghi lại và bạn sẽ phải trả lời những câu hỏi liên quan đến điều đó. Vậy nên, đừng đưa vào đơn xin việc của mình những điều mâu thuẫn với hồ sơ trên LinkedIn.

5. Gửi bản CV lên hệ thống và/hoặc kết nối tới LinkedIn để lấy dữ liệu

Đây là thời điểm bạn đăng resume của mình lên. Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng bạn cần phải thận trọng. Trong nhiều trường hợp, dữ liệu trong resume của bạn (hoặc trên LinkedIn) sẽ được điền vào một khung nhập thông tin trên web. Hãy kiểm tra lại để chắc chắn thông tin đã được điền đúng. Một số chương trình lấy dữ liệu có thể gặp vấn đề trong quá trình trích xuất thông tin, cho nên có thể email của bạn sẽ bị hiển thị sai. Cần phải đặc biệt chú ý đến những ô có ghi kèm dấu hoa thị, đó là những ô bắt buộc mà bạn không thể để trống.

6. Nếu bạn thực sự muốn công việc đó thì hãy lèo lái một chút

Đưa những điều không đúng vào đơn xin việc không bao giờ là một ý tưởng tốt. Dối trá về một tiêu chuẩn nào đó sẽ giúp bạn qua được khâu lọc hồ sơ, nhưng sau cùng bạn sẽ bị phát hiện (có thể là khi phỏng vấn). Sẽ thật tuyệt khi bạn nói với ai đó rằng bạn bán được 100 nghìn đô-la tiền bán hàng, nhưng vì đó không phải là sự thật nên bạn phải cố gắng đạt được điều đó. Và nếu bạn chưa bao giờ bán được nhiều như thế, bạn sẽ không bao giờ biết đạt được doanh thu như thế sẽ khó khăn đến mức nào. Bạn có thể biết tất cả các thuật ngữ, nhưng nếu bạn không thể đạt được doanh số mình cần thì bạn không thể duy trì công việc. Và cuối cùng bạn có thể trở nên tồi tệ hơn khoảng thời gian trước đó nữa.

Tuy nhiên, đừng sợ đối diện với bản thân; bạn có thể có nhiều kỹ năng hơn bạn tưởng. Nếu bạn là người am hiểu công nghệ, những kỹ năng về máy tính đó sẽ bổ sung vào đơn xin việc của bạn và giúp bạn nổi bật hơn. Tuy nhiên đừng xác nhận những chứng chỉ bạn không có trừ khi bạn chắc chắn rằng mình có thể đạt được chúng trước khi tuyển dụng (cũng cần phải hiểu rằng đạt được những chứng chỉ đó cần chi phí và thời gian mà có thể bạn không đủ khả năng chi trả). Một lần, tôi đã nói với nhà tuyển dụng rằng tôi là một chuyên gia về phần mềm MS Access, dù cho tôi mới chỉ chạm vào nó hai lần trong đời. Mặc dù tôi không thực sự hiểu biết về chương trình đó vào thời điểm ấy, nhưng tôi biết về Excel và đã học nhanh Access trước khi có ai phát hiện.

7. Hãy gửi email cho nhà tuyển dụng

Bất chấp những lợi thế của khoa học kỹ thuật, vẫn không có gì thay thế tốt hơn cách thức giao tiếp trực tiếp. Nếu bạn có thể tìm được tên của nhân viên tuyển dụng hay bất cứ một người nào trong khâu đó, hãy gửi email cho họ. Có thể họ sẽ lấy hồ sơ của bạn ra khỏi đống hỗn độn, cho dù nó có thể không qua được vòng chọn lọc hồ sơ. Ít ra thì việc gửi email sẽ tạo cho người tuyển dụng cảm giác thích bạn đủ để chấp nhận bỏ qua một số nhược điểm mà có lẽ máy móc sẽ không bỏ qua cho bạn. Hãy thử đi, bạn sẽ không mất mát gì đâu.

Như bạn thấy đấy, với một ít kinh nghiệm và những hiểu biết thông thường bạn có thể tiến gần hơn với một công việc. Với những chương trình tuyển dụng nhân sự được tự động hóa bằng máy, bạn có thể gửi đi một số lượng lớn các đơn xin việc. Càng nhiều đơn xin việc bạn gửi đi thì cơ hội bạn được tuyển dụng càng cao. Kết hợp các bước ở trên lại thành một lịch trình tìm việc hàng ngày sẽ giúp bạn tìm được công việc phù hợp với ít thời gian nhất. 

Nếu bạn đã vượt qua giai đoạn tuyển chọn và có một cuộc phỏng vấn thì hãy chắc rằng bạn trông tốt nhất có thể. Hãy xem bài viết: Cách thắt cà vạt như một chuyên gia