7 tháng trước
10 Lỗi Thường Gặp Trong Resume
160

2646
Lượt xem
271
Lượt chia sẻ
83
Lượt bình luận

Chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc tốt là thử thách khó khăn đối với tất cả chúng ta. Hồ sơ xin việc đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giúp bạn tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng và mở đường cho buổi phỏng vấn tiếp theo. Tuy nhiên, chúng ta thường mắc phải một số lỗi sau khiến cho hồ sơ của mình nhanh chóng bị loại.

Dưới đây chúng tôi sẽ chỉ ra 10 lỗi mà người xin việc thường mắc phải và cách thức để giải quyết các vấn đề này, sao cho hồ sơ của bạn có thể nổi bật giữa đám đông và giúp bạn có được cuộc hẹn phỏng vấn mơ ước.

Bạn muốn thử sức ở lĩnh vực mới nhưng thiếu kinh nghiệm​​​​​​​

Đây là thử thách tương đối khó khăn, tuy nhiên không phải là không thể vượt qua. Bạn hãy xem xét công việc mà bạn muốn làm, xác định xem những kỹ năng cần thiết cho việc đó là gì, sau đó chỉnh sửa hồ sơ của mình theo hướng tập trung làm nổi bật các kỹ năng đó thay vì một công việc hay kinh nghiệm cụ thể. Giả dụ thay vì liệt kê 2 công việc trong lĩnh vực marketing bạn từng làm, hãy liệt kê những kỹ năng và kiến thức có thể giúp bạn làm tốt công việc sắp tới. Một biện pháp khác để rèn giũa các kỹ năng của bạn là những công việc tình nguyện hay làm thêm. Bạn nên đưa tất cả những việc này vào hồ sơ của mình. Lấy ví dụ bạn dự định sẽ thử sức với công việc tổ chức sự kiện, hãy tham gia một tổ chức phi lợi nhuận và hỗ trợ lập kế hoạch cho một sự kiện nào đó.

Bằng cấp không phù hợp với lĩnh vực bạn đang ứng tuyển

Đừng lo lắng nếu bằng cấp của bạn không liên quan đến lĩnh vực ngành nghề mà bạn đang ứng tuyển. Nhiều người được đào tạo một đằng, ra trường lại làm việc một nẻo. Bạn hãy nhấn mạnh vào các kỹ năng và kinh nghiệm của mình thay vì bằng cấp trong hồ sơ. Tuy nhiên, cũng đừng bỏ phần đó đi, bởi vì bằng cấp cho thấy nền tảng học vấn của bạn.

Bạn rời bỏ công việc cũ đã lâu

Bất kể việc bạn nghỉ một thời gian trước khi tiếp tục xin việc là ý tưởng của bạn (ở nhà chăm sóc con cái) hay do khách quan (thị trường việc làm khó khăn) thì cũng đừng giấu diếm. Tin tốt là, do điều kiện kinh tế suy thoái, việc người lao động nghỉ một thời gian rồi mới đi làm tiếp không còn là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, bạn vẫn cần làm gì đó để giải quyết tình trạng này. Cách tốt nhất là hãy trình bày về nó trong thư xin việc (cover letter) của mình. Nếu bạn nghỉ ở nhà để chăm sóc con cái hay cha mẹ, cứ viết ra. Nếu bạn đã tìm việc một thời gian dài mà chưa có kết quả, hãy tham gia một tổ chức cộng đồng ở địa phương và liệt kê điều này trong hồ sơ. Kinh nghiệm đó có thể giúp bạn gọt giũa được những kỹ năng mới. Làm việc tự do (Freelancing) cũng có thể giúp bạn lấp chỗ trống trong thời gian tìm việc mới. Nếu khoảng thời gian nghỉ việc của bạn kéo dài hơn 5 năm, cũng đừng ngại thừa nhận điều đó. Những việc bạn đã làm kể từ khi nghỉ việc cũ tới giờ sẽ nói lên rất nhiều điều. Dù thế nào đi nữa, hãy chuẩn bị để trả lời những câu hỏi về công việc bạn từng làm trong cuộc phỏng vấn sắp tới.

Bạn thường xuyên nhảy việc

Việc bạn đã từng trải qua khoảng 4-5 công việc có thể khiến bạn bị gắn mác người thường xuyên nhảy việc. Tuy nhiên đó không hoàn toàn là điều bất lợi. Giả dụ trong mỗi công việc bạn lại thăng tiến rất tốt, như là từ nhân viên trở thành trợ lý quản lý và sau đó là quản lý. Trong trường hợp này điều đó lại cho thấy sự chủ động của bạn, và biết đâu đó chính là đặc điểm mà công ty mới của bạn đang tìm kiếm. Do vậy, hãy liệt kê hết những việc bạn từng làm vào hồ sơ (trừ những công việc bạn chỉ làm không quá 2 tháng) và chỉ rõ rằng việc bạn thường xuyên nhảy việc là nhằm xây dựng một lộ trình sự nghiệp thành công với doanh  nghiệp phù hợp. Khả năng cao là điều này sẽ được hỏi đến trong cuộc phỏng vấn, do đó hãy chuẩn bị câu trả lời từ trước. Đừng nói với nhà tuyển dụng rằng bạn nghỉ việc ở chỗ cũ vì xung khắc với đồng nghiệp hoặc với cấp trên, bởi vì đây là điểm có thể khiến bạn bị loại không thương tiếc.

Bạn không làm lâu ở công việc cũ

Có phải bạn nhận ra chỉ sau một hai tháng rằng công việc trước kia không phù hợp với mình? Hoặc có phải công ty trước đã cho bạn nghỉ việc? Trong cả hai trường hợp, nếu bạn làm một việc gì đó ít hơn 2 tháng, tốt nhất là đừng đưa nó vào resume. Nếu thời gian đó lâu hơn 2 tháng, bạn có thể liệt kê ra, nhưng hãy chuẩn bị tinh thần để trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng khi phỏng vấn, thậm chí là trình bày luôn trong thư xin việc. Bất kể bạn nghỉ việc sớm là do biến động kinh tế hay do đó không phải công việc mong muốn của bạn, hãy cứ nói thật với người phỏng vấn. Điều đó cho thấy sự trung thực của bạn, mà nhà tuyển dụng nào thì cũng đánh giá cao sự trung thực.

Hồ sơ quá dài dòng nhưng bạn lại không biết phải bỏ chỗ nào

Nhà tuyển dụng khác nhau sẽ có tiêu chuẩn độ dài của resume khác nhau. Một số người ưa thích bản resume chỉ gói gọn trong một trang, một số khác thì chấp nhận độ dài 2 trang. Việc xác định xem cần trình bày những gì trong resume của mình có thể là một nhiệm vụ rất phức tạp, nhưng có một nguyên tắc cơ bản là bạn hãy chỉ trình bày tối đa 15 năm làm việc hoặc 5 công việc trước kia. Trình bày ngắn gọn thôi bởi vì việc mô tả những gì bạn đã làm trong công việc cũ có thể tốn khá nhiều độ dài của resume. Hãy sử dụng từ khóa hoặc những câu đơn tập trung vào hành động cụ thể như: "Quản lý một nhóm 5 người"

Bằng cấp, kinh nghiệm của bạn cao hơn yêu cầu của công việc mới

Bất kể là bạn đang tìm một công việc hoàn toàn mới hay đơn thuần là chỉ cần có việc làm, bạn vẫn có thể chỉnh sửa hồ sơ cho phù hợp để có được một cuộc phỏng vấn. Điều cơ bản là hãy tập trung vào các kỹ năng của mình, không dùng những từ kiểu như "Quản lý người khác". Ghi nhớ rằng một resume tương ứng với công việc kỳ vọng và một lá thư xin việc được viết cẩn thận là chìa khóa để đi đến thành công.

Bạn thiếu kinh nghiệm hoặc kiến thức

Đặt giả thiết bạn đã tìm ra công việc mà mình yêu thích, nhưng phần mô tả công việc lại đề cập đến những kiến thức và kinh nghiệm mà bạn chưa có. Không sao đâu, cứ nộp đơn đi. Mô tả công việc đơn thuần là những đặc điểm mà nhà tuyển dụng kỳ vọng có ở ứng viên, Rất có thể chẳng có ai đáp ứng được chính xác những yêu cầu đó cả. Do vậy, hãy thành thật trình bày về những kinh nghiệm cũng như kiến thức mình đang có và thể hiện mong muốn học hỏi và phát triển ở lĩnh vực này.

Bạn dùng sai từ ngữ

Như đã đề cập ở trên, resume và thư xin việc là những phương tiện giúp bạn tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng. Để đảm bảo ấn tượng được tốt, hãy tỏ ra chuyên nghiệp, sử dụng từ ngữ cũng như văn phong phù hợp. Hãy dùng những từ mô tả hành động một cách cụ thể như "quản lý", "điều hành", "xử lý", "biên tập"... thay vì dùng một từ chung chung kiểu như "làm".

Resume quá nhiều lỗi chính tả

Vấn đề này thực ra tương đối dễ khắc phục. Bạn chỉ cần sử dụng những phần mềm kiểm tra lỗi chính tả và nhờ ít nhất một người khác đọc hồ sơ của mình trước khi gửi đi. Hãy thận trọng khi tổng hợp các tài liệu cần gửi đi. Nếu cần thêm 1-2 giờ để hoàn thiện hồ sơ, hãy làm như vậy. Dành thời gian để có thể gửi đi một bộ hồ sơ được chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ tốt hơn nhiều so với việc vội vàng nhấn nút gửi đi một bản resume chi chít lỗi.

Chuẩn bị một bộ hồ sơ xin việc là việc tương đối phức tạp, nhưng hãy dành thời gian để cân nhắc xem mình nên trình bày những nội dung gì trong hồ sơ và làm cách nào để tránh được những lỗi cơ bản trên đây. Điều đó sẽ giúp bạn dễ dàng có một cuộc phỏng vấn hơn.

Không tìm thấy nội dung