8 tháng trước
7 Lỗi Lớn Thường Gặp Ở Nhà Tuyển Dụng
232

4732
Lượt xem
612
Lượt chia sẻ
88
Lượt bình luận

Lựa chọn nhân viên mới là một trong những quyết định quan trọng nhất mà một người quản lý phải đưa ra, tuy nhiên chúng lại thường được thực hiện một cách ngẫu hứng. Nếu bạn đang trong quá trình tuyển dụng thành viên mới cho nhóm của mình, thì hãy cố gắng tránh các lỗi thường gặp sau:

1. Không có bản mô tả công việc rõ ràng

Nhiệm vụ chính của công việc này là gì? Các kỹ năng và kinh nghiệm tối thiểu ứng viên cần phải có như thế nào? Trước hết, hãy viết đầy đủ các nội dung này, rồi sau đó mới bổ sung thêm các thông tin khác. Một số nhà quản lý lập những danh sách không tưởng dài dằng dặc về những phẩm chất của một ứng viên hoàn hảo và khiến cho việc lựa chọn lại càng khó hơn. Hãy nhờ sếp của bạn hoặc một người đồng nghiệp kiểm tra lại nội dung phần mô tả công việc để xem có sai sót gì không, sau đó mới đăng thông báo tìm việc.

2. Lập sẵn hình mẫu ứng viên lý tưởng

Bất cứ ứng viên nào đáp ứng được những yêu cầu về kỹ năng, kinh nghiệm, bằng cấp và thái độ đều cần được xem xét nghiêm túc, bất kể tuổi tác, giới tính hay màu da của họ. Tuy nhiên một số nhà quản lý lại có sẵn trong đầu những mường tượng về nhân viên của mình, ví dụ "một anh chàng trẻ tuổi năng động" và loại thẳng tay những người không giống như hình mẫu đó. Kết quả là họ bỏ qua những ứng viên sáng giá, tuyển dụng nhầm nhân viên có năng lực yếu, và chính họ có thể phải đối mặt với những cáo buộc về việc phân biệt đối xử.

3. Lựa chọn ứng viên mình thích nhất chứ không phải ứng viên phù hợp nhất

Nhà tuyển dụng có xu hướng đánh giá cao những ứng viên giống họ hoặc bản thân họ cảm thấy thích thú - đây là tâm lý thiên vị rất khó tránh ở con người. Tuy nhiên, chỉ vì bạn đã có một cuộc nói chuyện thú vị với ứng viên nào đó trong buổi phỏng vấn không có nghĩa là họ sẽ làm việc tốt. Nhiều bằng chứng cho thấy nhà tuyển dụng thường quyết định việc sẽ tuyển hay loại một người chủ yếu trong vòng 10 giây đầu tiên, căn cứ vào dung mạo và ấn tượng ban đầu. Điều này khiến họ dễ dàng bị nhầm lẫn bởi một ứng viên có vẻ ngoài chỉn chu và cách ứng xử gây thiện cảm.

4. Lựa chọn ứng viên "có thể hòa hợp với nhóm"

Đây là một tiêu chí thường được nhà tuyển dụng xem xét đến khi lựa chọn hoặc từ chối các ứng viên, nhưng nó là một thước đo không hiệu quả. Nếu làm theo cách thức này, thì cuối cùng bạn sẽ có một nhóm nhân viên nhìn na ná như nhau, cư xử giống nhau và suy nghĩ lối mòn theo nhau. Rõ ràng sẽ tốt hơn nếu bạn tuyển dụng một nhóm thật đa dạng về kỹ năng và ngoại hình. Đừng từ chối ai đó chỉ vì họ khác thường và có thể sẽ thách thức các thành viên khác trong nhóm.

5. Không chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn

Bạn nên đọc thật kỹ những thư xin việc và sơ yếu lý lịch của các ứng viên được mời đến phỏng vấn và suy tính trước sẽ đặt cho họ câu hỏi gì. Không nên chỉ hỏi những câu mang tính khuôn sáo kiểu như "Vì sao bạn thi tuyển vào công việc này?" hay "Điểm mạnh điểm yếu của bạn là gì?", bởi bất cứ ứng viên nào trước khi đến phỏng vấn cũng có một tá câu trả lời được chuẩn bị sẵn. Thay vào đó, hãy hỏi thêm về học vấn, hoàn cảnh của ứng viên, về những yêu cầu của công việc, về những điểm còn chưa rõ ràng trên sơ yếu lý lịch và về việc làm sao để xử lý những vấn đề phát sinh trong công việc. Những câu hỏi được chuẩn bị kỹ càng sẽ giúp bạn nhìn ra được năng lực và quan điểm của các ứng viên dễ dàng hơn.

6. Không cho ứng viên đặt câu hỏi

Đừng dừng cuộc phỏng vấn lại ngay sau khi kết thúc các câu hỏi của bạn, hãy khuyến khích ứng viên hỏi một vài điều và xem họ thể hiện điều gì qua những câu hỏi đó.

7. Không kiểm tra lại

Không nên mặc định rằng những thông tin ứng viên cung cấp là đúng. Hãy kiểm tra lại những thành tích cũng như bằng cấp của họ bằng cách liên lạc với người quản lý cũ để nói chuyện một cách kín đáo. Nếu có bất cứ thông tin nào bị cố ý làm sai lệch trên sơ yếu lý lịch, bạn hoàn toàn có thể từ chối ứng viên này, dù họ thể hiện trong buổi phỏng vấn tốt như thế nào.

Nhà tuyển dụng nên cố gắng để hành xử một cách khách quan nhất khi đánh giá ứng viên, so sánh với những đánh giá tương tự của bạn về các ứng viên khác để chọn ra người phù hợp nhất với vị trí cần tuyển dụng và với doanh nghiệp. Dành thời gian để cân nhắc và ra quyết định. Nếu chưa chắc chắn, bạn có thể gọi lại cho ứng viên, coi như một cuộc phỏng vấn lần hai. Những người bạn lựa chọn hôm nay sẽ trở thành trụ cột của tổ chức trong tương lai, do đó hãy lựa chọn thật cẩn thận.